Dinh dưỡng cho bé luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Sau đây là bốn nhóm thực phẩm bạn nên xem xét để cho vào bữa ăn hằng ngày của bé.
1. Trái cây và rau củ quả
Trái cây và rau củ quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ. Việc bạn cho bé ăn nhiều loại trái cây và rau củ quả khác nhau từ khi còn nhỏ, cho dù là trái cây hay rau củ quả tươi, đông lạnh, đóng hộp, kể cả sấy khô, đều rất tốt. Hãy đảm bảo rằng trái cây và rau củ quả luôn có mặt trong mỗi bữa ăn của bé.
Các loại trái cây và rau củ quả khác nhau sẽ chứa các loại vitamin và khoáng chất khác nhau, vì vậy sẽ tốt hơn nếu bạn cho bé ăn đa dạng nhiều loại trái cây. Bạn đừng vội lo lắng khi bé chỉ thích ăn một hoặc hai loại trái cây hay rau quả bởi sở thích ăn uống của trẻ em độ tuổi này thường xuyên thay đổi.
Bạn có thể thường xuyên cho bé ăn một lượng nhỏ các loại trái cây, rau củ quả khác nhau để bé học được cách nếm mùi vị của từng loại. Một số bé không thích ăn rau củ quả nấu chín nhưng lại thích nhấm nháp rau sống trong khi bạn đang chuẩn bị bữa ăn.
2. Các loại thực phẩm giàu tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng và chất xơ. Dù là bánh mì hay ngũ cốc, khoai tây hay khoai lang, cơm hay nếp, mì ống hay mì sợi, hầu hết các bé khá thích ăn những loại thực phẩm trong nhóm này.
Bạn cũng có thể cho bé ăn các loại thực phẩm như cơm, cháo, bột ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như bánh mì, mì ống nguyên hạt hoặc gạo lứt. Tuy nhiên, việc cha mẹ cho bé dưới hai tuổi, đặc biệt là khi con bạn kén ăn, ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt không hẳn là một điều tốt. Chúng sẽ khiến bé bị no căng trước khi được chuyển hoá thành calo và các chất dinh dưỡng cần thiết. Chỉ khi bé đã được hai tuổi, bạn hẵng cho bé ăn những loại thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên hạt nhiều hơn lúc trước.
3. Sữa và các loại thực phẩm làm từ sữa
Sữa nguyên chất và các sản phẩm làm từ sữa là nguồn cung cấp canxi giúp bé phát triển và giữ cho xương và răng bé luôn chắc khỏe. Chúng còn chứa vitamin A giúp bé có sức đề kháng khi bị nhiễm trùng cũng như rất tốt cho cho da và mắt bé.
Khi con bạn được một tuổi, bạn có thể cho bé chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa bột sang sữa bò hoặc vẫn tiếp tục cho con bú. Bạn hãy cố gắng cho bé uống sữa ba lần mỗi ngày, cho dù là dưới dạng sữa để uống hoặc ở dạng thực phẩm làm từ sữa như sữa chua hoặc phô mai tươi.
Bạn có thể cho bé dùng sữa tách bơ khi bé được hai tuổi, đã có thể ăn khoẻ và phát triển tốt hơn trước. Sữa tách béo hoặc sữa chứa 1% béo không chứa đủ lượng chất béo cần thiết cho bé, vì vậy trẻ em dưới năm tuổi không được khuyến khích dùng loại sữa này.
4. Thịt, cá, trứng, đậu và các loại protein (chất đạm) không có nguồn gốc từ sữa
Trẻ em còn nhỏ rất cần chất sắt và protein để trưởng thành và phát triển. Hãy cố gắng cho bé mới biết đi dùng một hoặc hai phần từ nhóm thực phẩm này mỗi ngày.
Thịt, cá, trứng, đậu (chẳng hạn như đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan) và thực phẩm làm từ đậu (chẳng hạn như đậu hũ, đậu nành tán nhuyễn) là những nguồn cung cấp protein và chất sắt tuyệt vời. Các loại hạt cũng chứa protein, nhưng bạn không nên cho bé dưới năm tuổi dùng loại thực phẩm này nhằm tránh trường hợp bé có thể bị nghẹt thở.
Bé trai có thể dùng bốn phần dầu cá (chẳng hạn như cá thu, cá hồi, cá mòi) một tuần. Nhưng nếu con bạn là con gái, hãy cho bé dùng ít hơn hai phần dầu cá một tuần do dầu cá có thể chứa một hàm lượng thấp các chất ô nhiễm dễ tích tụ trong cơ thể của bé gái. Đừng ngừng cho bé ăn dầu cá bởi lợi ích từ dầu cá vẫn luôn nhỉnh hơn so với rủi ro do chúng mang lại, miễn là con bạn không ăn nhiều hơn liều lượng dầu cá cho phép.
Trên đây là bốn nhóm thực phẩm thiết yếu cho sự phát triển của con bạn. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc liên quan tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ độ tuổi tập đi, hãy xin ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn kịp thời.